Cánh cửa – Szabó Magda

Văn học thế giới đã chứng kiến không ít mối quan hệ lạ thường, cái lạ thường của những điều rất bình thường bị lộn trái, hoặc phơi bày phần giông bão của nó ra. Chính vì sự bình thường đó mà người ta sửng sốt bàng hoàng và rồi đau đớn, để rồi nhận ra nơi sâu kín nhất không phải là địa ngục âm ti mà là lòng người, và hình phạt đáng sợ nhất chính là sự thật.

Cánh cửa – Szabo Magda đã đặt cho tác phẩm của mình một cái tên giản dị súc tích và cô đọng nhất, một hình ảnh bình thản vô cảm mà chứa đầy tính hai mặt và sự sâu thẳm vô biên. Nó mở cả một thế giới phía sau lẫn phía trước, cả nỗi tò mò khám phá lẫn sự sợ hãi ngập ngừng. Nhưng nó, cũng như mối quan hệ giữa hai người phụ nữ trong câu chuyện này, một nữ nhà văn và một người đàn bà giúp việc, là thứ có mặt nhan nhản trong cuộc đời này, thứ bình thường tới vô hình và vô nghĩa trong tâm trí người khác. Cánh cửa – bản thân nó nói hết được tất cả những gì mà Szabo Magda muốn nói, không ẩn dụ, không bóng gió, không hoa mỹ. Nó thản nhiên gây chấn động bằng những gì nó dẫn đến : cuộc đời của người đàn bà giúp việc có tên Emerenc.

Trên thực tế, cánh cửa của Emerenc chỉ mở vào những trang cuối cùng của cuốn sách, cũng là những trang cuối cùng của đời bà. Emerenc giống như một loài giáp xác khổng lồ và mạnh mẽ với vỏ bọc dày, một pháo đài bất khả xâm phạm sừng sững bước vào cuộc đời của hầu hết mọi người, tỏa ra cái uy quyền mạnh mẽ đầy xác tín và kiên định cùng với ánh nhìn sắc sảo thẳng băng, cái ánh nhìn sâu tới gan ruột của từng người. Và họ, trở thành tín đồ của bà trong im lặng. Từng người một đến trước hiên nhà và mở rộng lòng ra với bà. Bà đón nhận họ, nhưng chỉ ở hiên nhà. Cánh cửa duy nhất vào nhà luôn đóng chặt.

Nhưng cuối cùng pháo đài ấy cũng mở cửa cho một người. Cô nhà văn nóng nảy vụng về, cô không nhiều từng trãi, thiếu cả bao dung và sức chịu đựng. Nhưng với cô, bà mở cửa nhà mình và lòng mình. Có thể bà thấy ở cô tuổi trẻ và những giấc mơ của mình, cũng có thể sự ngang ngạnh của họ giống nhau. Cũng có thể vì Viola, con chó đực có cái tên của giống cái là gạch nối giữa họ. Và hơn hết, tôi nghĩ bà nhìn thấy được ở cô tấm lòng, cô không phải là người có thú vui hay sở thích chăm lo cho người khác, nhưng cô đã cố gắng vì cô biết yêu thương. Họ cuối cùng cũng tìm được cho mình một sợi dây nối.

Vào cái ngày mưa bão ấy, cô đã gõ cánh cửa nhà bà. Và bà đã mở cửa. Vào cái khoảnh khắc ấy, cánh cửa đã biến thành gót chân Achilles của bà, cô cũng gánh thêm một tình yêu và lòng tin mà cô không biết rằng nó vượt quá sức mình. Mối quan hệ giữa họ đã đi đến một giai đoạn mà tôi nghĩ rằng là cao trào của tất cả những gì đẹp đẽ, để rồi bắt đầu rơi. Cô nhà văn là que diêm duy nhất bà cho phép bật lên thắp sáng những ngõ ngách trong pháo đài cuộc đời bà, soi rọi những vết thương và những nỗi ám ảnh, những chua chát đắng cay. Phần yếu đuối mong manh nhất và tất cả lòng tự trọng của bà đặt vào tay cô. Để rồi vào giờ phút quan trọng nhất của đời mình, cô đánh rơi que diêm để nó biến thành ngọn lửa.

Sự thật là một cánh cửa. Ta không thể lường được mọi thứ vào cái giờ phút ta mở nó ra. Thế giới này vẫn còn đẹp bởi vì người ta vẫn còn những cánh cửa đóng kín và giữ gìn những bí mật của mình. Đó là cái quyền duy nhất mà người ta có được khi bị tước hết các quyền làm người khác : quyền được im lặng. Emerenc dùng toàn bộ cuộc đời mình để xây dựng nấm mồ cho những bí mật ấy, pháo đài cho những vết thương ấy. Đến ngày nó bị khai quật, bằng một nhát búa đập vào cánh cửa, như một nhát dao đâm xuyên bộ áo giáp để cắm phập vào tim, đau đớn, cuộc đời bà cũng chấm dứt.

Người ta vẫn đi tìm sự thật, dù người ta biết sự thật tàn nhẫn và đắng cay. Cũng như người ta sẽ yêu dù biết yêu thương là hủy hoại. Tôi không trách cô nhà văn, dù cô đã phạm lỗi không thể cứu vãn, nhưng tôi biết Emerenc sẽ không bao giờ hối hận vì đã yêu và thương cô, đã chia sẻ pháo đài đời mình với cô. Xét cho cùng, bà cũng có nhu cầu được thấu hiểu và chia sẻ, bà cũng không muốn sống mãi trong bộ áo giáp của loài giáp xác. Chỉ là bà không giữ lại được cho mình chút kiêu hãnh cuối cùng khi lìa thế giới. Thôi thì cũng coi như bà đã dùng nó để đánh đổi lấy tình yêu.

Năm 2012, tác phẩm đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên: “The door”, Kafka rủ bạn xem thử đoạn trailer phim nhé!

Bình luận
64/7 Cù Lao, P2, Phú Nhuận +84 939632992 +84 938841616 sales@kafka.vn
Miễn phí ship cho đơn hàng trên 1,000,000 đồng